Chuyển tới nội dung

75 năm phát triển ngành địa chất Việt Nam (1945-2020)

30.09.2020

75 năm xây dựng và phát triển ngành Địa chất là dấu mốc để đánh giá lại những thành tích quan trọng của ngành Địa chất Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước với biết bao công sức, hy sinh của nhiều thế hệ các nhà địa chất. Trải qua nhiều giai đoạn cách mạng của nước ta, ngành Địa chất Việt Nam đã liên tục phát triển vững chắc, với nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng trong từng thời kỳ.

Đồng chí Đỗ Cảnh Dương Ủy viên BTV Đảng ủy Bộ TNMT, Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2015-2020, Khai mạc Đại hội Đảng bộ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025

Quá trình hình thành và phát triển

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhận rõ vai trò quan trọng của ngành Địa chất, ngày 02/10/1945, Chính phủ đã thành lập Nha Kỹ nghệ trong cơ cấu của Bộ Quốc dân Kinh tế, sau này là Nha Khoáng chất - Kinh tế thuộc Bộ Kinh tế và Bộ Công Thương, đánh dấu sự ra đời của ngành Địa chất Việt Nam.

Sau ngày hòa bình lập lại, để phù hợp với tình hình mới, ngày 28/3/1956, Sở Địa chất thuộc Bộ Công nghiệp đã được thành lập, sau đổi tên thành Cục Địa chất, nhằm thực hiện các nhiệm vụ chuyên sâu về lĩnh vực địa chất. Trước yêu cầu của phát triển đất nước, đòi hỏi công tác điều tra, tìm kiếm, thăm dò mỏ phải được tiến hành đồng bộ, gắn với chức năng nhiệm vụ của môt cơ quan quản lý nhà nước, ngày 26/7/1960, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 18/TCT về việc thành lập Tổng cục Địa chất trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Sự ra đời của Tổng cục Địa chất đã tạo ra những kết quả quan trọng, nhiều công trình nghiên cứu khoa học địa chất có giá trị được hoàn thành, các mỏ cũ đã được điều tra, thăm dò mở rộng, nhiều mỏ mới đã được phát hiện, để ngành khai khoáng phát triển. Năm 1995, trước nhu cầu phát triển mới của nền kinh tế quốc dân, Tổng cục Dầu khí (nay là tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam- PVN) trực thuộc Chính phủ mà tiền thân là Liên đoàn Địa chất 36 đã được thành lập.

Ngay sau ngày miền Nam nước ta được hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), Đảng và Nhà nước ta đã ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản về địa chất và tìm kiếm thăm dò khoáng sản ở miền Nam. Để tiếp tục đẩy mạnh các công tác này trên phạm vị cả nước, ngày 1/8/1987, Hội đồng Bộ trưởng đã có Quyết định số 166/HĐBT thành lập Tổng cục Mỏ và Địa chất. Theo Quyết định nêu trên, ngoài các nhiệm vụ chuyên ngành về địa chất, Tổng cục còn có nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành Mỏ và Địa chất; theo đó, công tác quản lý về khai thác, sử dụng khoáng sản đã được chú trọng. Có thể nói đây cũng là một trong những giai đoạn phát triển rực rỡ của ngành Địa chất Việt Nam. Nhiều công trình khoa học địa chất tầm cỡ quốc tế đã ra đời, một số mỏ lớn cũng đã bước đầu đưa vào khai thác, góp phần tăng trưởng kinh tế cho đất nước.

Thực hiện đường lối đổi mới, sắp xếp lại bộ máy các Bộ, trên cơ sở Tổng cục Mỏ và Địa chất, năm 1990 đã thành lập Cục Địa chất Việt Nam và Cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng, sau này là Bộ Công nghiệp. Một số đơn vị địa chất cũng đã được tách ra để hình thành các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện nhiệm vụ thăm dò và khai thác khoáng sản.

Công đoàn Tổng cục thăm và gắn biển công trình khoan sâu 1.200 m của Liên đoàn Intergeo thi đua chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Ngành Địa chất Việt Nam

Nhằm thống nhất, tập trung đầu mối quản lý, ngày 4/12 /1996, Chính phủ đã ra Nghị định số 79/CP về việc thành lập Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Cục Địa chất Việt Nam và Cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước thuộc Bộ Công nghiệp và trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường từ tháng 11 năm 2002. Đến năm 2008, một số đơn vị thuộc Cục như Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản Biển được chuyển sang trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; các đơn vị địa chất thủy văn - địa chất công trình đã được chuyển sang Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Trắc địa được chuyển sang Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 718/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 về việc lấy ngày 02/10 hàng năm là ngày truyền thống ngành Địa chất Việt Nam.

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản và đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản tháng 7/2011, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được nâng cấp thành Tổng cục Địa chất và Khoáng sản theo Quyết định số 26/2011/QĐ-TTg, ngày 4 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ. Đến tháng 02 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 16/2014/QĐ-TTg, ngày 19 tháng 02 năm 2014, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong quá trình phát triển, mặc dù có những thay đổi về tổ chức nhưng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nói riêng, ngành Địa chất Việt Nam nói chung vẫn luôn phát huy được truyền thống và tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới. Công tác điều tra cơ bản về địa chất và khoáng sản cũng như đánh giá, thăm dò khoáng sản ngày càng được đẩy mạnh. Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đặc biệt đã hoàn thiện pháp luật về khoáng sản, tạo hành lang pháp lý để quản lý hoạt động khoáng sản theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo môi trường và an ninh, quốc phòng.

Thi công khoan lấy mẫu đề án Urani

Trải qua 75 năm, ngành Địa chất đã liên tục phát triển về bộ máy tổ chức, năng lực, công nghệ điều tra đánh giá địa chất - khoáng sản và các tài nguyên địa chất khác. Các đơn vị địa chất ngày càng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả trên phạm vi cả nước, phối hợp triển khai các đề án có quy mô lớn với sự điều hành thống nhất, hệ thống từ Tổng cục. Các viện, các trường đại học đã phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Các Tập đoàn: Dầu khí Quốc gia, Than - Khoáng sản Việt Nam đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Các nhà địa chất Việt Nam đã tạo nên hình ảnh đẹp, tích cực và trung thực trong khoa học, đoàn kết, phối hợp với nhau, dưới mái nhà chung của nhiều thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động địa chất trên toàn quốc.

Ngay từ ngày đầu thành lập, ngành Địa chất đã được sự quan tâm của
Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Chính phủ, đã nhận được sự giúp đỡ có hiệu quả của Chính phủ và các nhà địa chất: Liên Xô (ngày nay là Liên bang Nga), Tiệp Khắc (cũ), Trung Quốc, Nhật Bản, Ba Lan, Bulgari, Hungari, Rumani....

Những thành tựu nổi bật của ngành địa chất Việt Nam

Thành tựu trong công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản về địa chất và tài nguyên khoáng sản

Kết quả nghiên cứu và điều tra cơ bản địa chất: Đến nay ngành Địa chất đã hoàn thành hệ thống bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:1.000.000, 1:500.000 trên toàn lãnh thổ. Loạt bản đồ chuyên sâu cùng tỷ lệ cũng được thành lập, bao gồm: địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa mạo, vỏ phong hóa, đệ tứ, kiến tạo, sinh khoáng, các trường địa vật lý, trọng sa, địa hóa và phông bức xạ. Cụm công trình bản đồ địa chất và khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 đã được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2005. Các bản đồ địa chất, khoáng sản, địa mạo, vỏ phong hoá tham gia vào bộ Atlas quốc gia Việt Nam cũng đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2005.

Bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 đã được thành lập trên toàn lãnh thổ và đã được xuất bản để sử dụng rộng rãi. Một phần lãnh hải đã và đang được điều tra để thành lập hệ thống bản đồ địa chất các tỷ lệ. Với sự tiếp thu phương pháp luận khoa học địa chất hiện đại, kết hợp với tổ hợp trang thiết bị hàng đầu về địa vật lý, địa hoá, viễn thám, phân tích thí nghiệm, đến nay
23.860 km2 đã hoàn thành công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 (đạt gần 70% diện tích phần đất liền). Đây là loại bản đồ địa chất khoáng sản cơ bản, ngoài cung cấp những thông tin quan trọng về khoáng sản còn là cơ sở cho quy hoạch các ngành kinh tế - xã hội khác của đất nước. Hầu hết các cấu trúc địa chất đã được nghiên cứu, làm rõ dần lịch sử hình thành, phát triển các quá trình địa chất và tiềm năng khoáng sản trên lãnh thổ nước ta. Công tác nghiên cứu nguồn gốc và quy luật phân bố khoáng sản đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Kết quả nghiên cứu, điều tra cơ bản này đã đưa Việt Nam trở thành nước có mức độ điều tra cơ bản về địa chất, khoáng sản đạt mức cao trong khu vực Đông Nam Á. Qua công tác này, đã hình thành đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật đủ năng lực giải quyết được những vấn đề khoa học, thực tiễn; nhiều phát hiện mới về nguồn gốc khoáng sản đã làm thay đổi nhận thức về tiềm năng của một số khoáng sản chiến lược ở Việt Nam.

Tại vùng biển, đã hoàn thành điều tra địa chất khoáng sản ven bờ (0-30 m nước) ở các tỷ lệ 1:500.000, 1:100.000 và 1:50.000 tại một số vùng trọng điểm. Hiện nay đang tiếp tục điều tra vùng biển Việt Nam đến 100 m nước. Kết quả là đã lập nên hệ thống bản đồ có nội dung đồng bộ, phong phú và tin cậy về cấu trúc địa chất, trầm tích Đệ tứ, triển vọng sa khoáng, môi trường đới biển ven bờ Việt Nam. Đã khoanh định các diện tích có triển vọng phát hiện khoáng sản và cấu trúc có khả năng tích tụ sa khoáng. Hiện trạng môi trường địa chất biển nông ven bờ, các yếu tố địa chất ảnh hưởng đến độ bền vững của bờ biển, quá trình phát sinh, hình thành và phát triển đường bờ biển đã được điều tra và nghiên cứu. Triển khai đề án bay đo từ - trọng lực tỷ lệ 1:250.000 trên biển là cơ sở quan trọng để thành lập bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:500.000 ở các vùng biển Việt Nam.

Khoan lấy mẫu quặng Cu tại điểm quặng Cu (U) mới được Liên đoàn Bản đồ miền Nam phát hiện ở Kon Rá- Kon Tum rất có tiềm năng trở thành mỏ Cu ở Tây Nguyên

Thành tựu trong công tác điều tra đánh giá tài nguyên khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng

Đến nay đã ghi nhận được hơn 60 loại khoáng sản với hàng ngàn điểm mỏ đã được điều tra, đánh giá và thăm dò ở các mức độ khác nhau trên toàn lãnh thổ.

Nhóm nhiên liệu: Thành tựu xuất sắc của ngành Địa chất Việt Nam là đã phát hiện và đưa vào thăm dò dầu khí ở đồng bằng Bắc Bộ, vịnh Bắc Bộ, dự báo tiềm năng dầu khí các bể trầm tích quan trọng của đất nước. Đây cũng là cơ sở để ngành Dầu khí Việt Nam tiếp tục phát triển. Sau năm 1955, ngành Địa chất đã tập trung vào việc điều tra, thăm dò mở rộng bể than Quảng Ninh và tất cả các cấu trúc chứa than trên toàn quốc. Kết quả dự báo trữ lượng và tài nguyên than đá của Việt Nam ở bể than Quảng Ninh tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Đã tiến hành điều tra, đánh giá tổng thể và đã tính được toàn bộ tài nguyên than phần đất liền bể Sông Hồng ở các cấp 333+334a+334b là 212.676.990 ngàn tấn. Với công nghệ chuyển hóa than thành khí của đối tác Canada tạo tiền đề để khai thác tài nguyên than dưới sâu trong tương lai.

Nhiều năm qua, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã điều tra, đánh giá tài nguyên urani và thăm dò xác định trữ lượng urani ở khu vực bồn trũng Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, đưa Việt Nam vào nhóm nước có trữ lượng và tài nguyên urani lớn nhất thế giới, phục vụ làm nguyên liệu cho nhà máy điện nguyên tử, đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài cho đất nước.

Nhóm khoáng sản kim loại: Công tác điều tra, đánh giá nhóm khoáng sản kim loại đã phát hiện nhiều vùng mỏ có quy mô tài nguyên lớn như quặng đồng Sin Quyền, Lào Cai; quặng chì - kẽm Chợ Đồn - Chợ Điền, Bắc Kạn; quặng sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh; quặng đất hiếm tại Lai Châu, Lào Cai; quặng wolfram đa kim Núi Pháo, Thái Nguyên. Trong những năm gần đây, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã đánh giá được tổng thể tiềm năng một số khoáng sản kim loại có quy mô lớn như: đã xác định được tổng thể tài nguyên cấp 333+334a cho bauxit Tây Nguyên là 1.873.000 ngàn tấn tinh quặng, trong đó cấp 333 là 664.000 ngàn tấn (đề án Bauxit sắt laterit Tây Nguyên) nâng tổng tài nguyên và trữ lượng toàn miền Nam Việt Nam là 3.500 000 ngàn tấn quặng tinh; tổng thể tiềm năng quặng titan sa khoáng dải ven biển Ninh Thuận - Bình Thuận - Vũng Tàu có quy mô lớn; đã có những phát hiện mới về nguồn gốc và dự báo được triển vọng quặng wolfram (sheelit) quy mô lớn trên đới Sông Chảy, bước đầu đã xác định được tài nguyên quặng wolfram + thiếc tại khu vực Suối Ngần, huyện Vị Xuyên, Hà Giang là 61 ngàn tấn và hàng loạt các mỏ, điểm mỏ đang tiếp tục được điều tra, đánh giá tiềm năng.      

Chuyên gia Nga và lãnh đạo Liên đoàn Xạ hiếm khảo sát thực địa ở đề án Urani

Nhóm khoáng sản phi kim loại và khoáng chất công nghiệp: Xác định vai trò quan trọng của khoáng sản phi kim trong sự phát triển của ngành hóa chất, phân bón, ngành công nghiệp xi măng, gốm sứ và vật liệu xây dựng, ngay từ khi thành lập, ngành địa chất đã tập trung điều tra, đánh giá, thăm dò các loại khoáng sản này. Đến nay đã xác định được tổng tài nguyên, trữ lượng quặng apatit là 2,6 tỉ tấn quặng phân bố tại tỉnh Lào Cai; công tác đánh giá tiềm năng của đá vôi, đá sét làm nguyên liệu xi măng được thực hiện tại các khu vực thuộc tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, Hải Dương, Quảng Ninh đã xác định được tổng tài nguyên dự tính trên 40 tỷ tấn đá vôi và trên 7 tỷ tấn đá sét đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu lâu dài cho ngành công nghiệp xi măng Việt Nam; đã khoanh định, đánh giá tài nguyên hàng trăm mỏ kaolin, đất sét trắng, felspat, cát trắng, đôlômit, đá ốp lát trên cả nước đảm bảo khả năng cung cấp nguyên liệu ổn định, lâu dài cho sự phát triển của ngành công nghiệp gốm sứ và vật liệu xây dựng.

Nhóm nước khoáng, nước ngầm: Công tác lập bản đồ ĐCTV-ĐCCT đã hoàn thành hơn 56.000 km2 ở tỷ lệ 1:200.000 và 42.500 km2 ở tỷ lệ 1:50.000, điều tra địa chất công trình tỷ lệ 1:50.000 với diện tích 36.340 km2. Các công tác này tập trung vào một số vùng quy hoạch phát triển kinh tế của Nhà nước như Tây Nguyên, đồng bằng Nam Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, các vùng đồng bằng ven biển. Kết quả là đã phát hiện và xác định trữ lượng nguồn tài nguyên nước dưới đất quy mô lớn, đáp ứng các nhu cầu cấp thiết cho nhu cầu dân sinh, công nghiệp và làm cơ sở để quy hoạch, điều tra, thăm dò khai thác nước dưới đất.

Ngành Địa chất đã hoàn thành các chương trình điều tra nước miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, vùng sâu Nam Bộ và các đảo. Các chương trình này đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết khó khăn về nước sinh hoạt cho nhân dân tại những vùng đặc biệt khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Các nguồn nước nóng, nước khoáng đã được tổng hợp, cập nhật và nghiên cứu. Nhiều nguồn nước đã và đang được khai thác sử dụng có hiệu quả, phục vụ nhiều mục đích khác nhau.

Thành tựu trong công tác điều tra địa chất đô thị, địa chất môi trường, tai biến địa chất và di sản địa chất

Ngành Địa chất đã phối hợp với Bộ Xây dựng tiến hành điều tra địa chất đô thị để phục vụ quy hoạch sử dụng đất theo điều kiện địa chất cho 58 đô thị loại I, loại II và loại III, các khu vực phát triển kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hoà - Vũng Tàu, Đà Nẵng - Dung Quất với diện tích 12.730 km2. Kết quả này là cơ sở khoa học để Nghành Địa chất triển khai nghiên cứu quản lý không gian ngầm địa chất phục vụ công tác quy hoạch, quản lý đô thị thông minh.

Đã tiến hành điều tra môi trường phóng xạ ở Quảng Nam, Nghệ An, Lai Châu, Cao Bằng và Phú Thọ; đánh giá chi tiết các diện tích ô nhiễm phóng xạ tự nhiên vùng Tây Bắc Việt Nam để chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập kế hoạch và triển khai thực hiện các biện pháp giảm thiểu đến mức thấp nhất tác hại đối với con người; điều tra tai biến địa chất ở các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Bắc Bộ, ven biển Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc; điều tra, đánh giá địa động lực hiện đại để hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp thích ứng ở đồng bằng sông Cửu Long. Đang tiến hành điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven biển Việt Nam. Các kết quả điều tra môi trường, tai biến địa chất đã được chuyển giao cho Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh để sử dụng trong quy hoạch phát triển bền vững các đô thị và phát triển kinh tế vùng.

Trong nhiều năm qua, đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về các giá trị địa chất - địa mạo, góp phần quan trọng vào việc xem xét, công nhận các Di sản Thiên nhiên thế giới đối với vịnh Hạ Long, vùng hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, và gần đây là Công viên Địa chất Đồng Văn - Mèo Vạc, Cao Bằng và Đăk Nông. Đang làm hồ sơ công nhận công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã…

Thành tựu trong công tác điều tra địa vật lý

Đã hoàn thành đo vẽ và thành lập các bản đồ: từ hàng không, trọng lực, trường phóng xạ tự nhiên… Kết quả đo vẽ đã vạch ra các cấu trúc địa chất, đặc biệt là các cấu trúc sâu, các trường địa vật lý khu vực. Nhiều dị thường đã được xác định là cơ sở để tìm ra các mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), sắt Nà Rụa (Cao Bằng) và các vùng sa khoáng titan ven biển Móng Cái, Hà Tĩnh, Quảng Bình, ..., vùng quặng urani Nông Sơn, các đới biến đổi nhiệt dịch chứa quặng vàng, thiếc, quặng sắt, magnesit ở Tây Nguyên và Trung Bộ, quặng đồng ở Kon Rá- Kon Tum…

Thành tựu trong công tác lưu trữ, xuất bản, thông tin và bảo tàng địa chất

Lưu trữ Địa chất đang lưu giữ khối lượng tài liệu địa chất lớn vào loại bậc nhất ở khu vực, với gần 5.000 báo cáo địa chất và đang được khai thác phục vụ các ngành kinh tế khác nhau. Toàn bộ các báo cáo đã được tin học hoá để lưu giữ và phục vụ tra cứu thuận lợi bằng công nghệ tin học. Bảo tàng Địa chất tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Bảo tàng loại I cấp Quốc gia. Các sưu tập mẫu vật địa chất - khoáng sản đã được bổ sung, chỉnh lý, sắp xếp khoa học, phục vụ tích cực cho tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho hàng vạn lượt người là các nhà nghiên cứu khoa học, sinh viên, học sinh, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước đến tham quan học tập và nghiên cứu. Chuyển giao các bản đồ đi cùng với 5.000 mẫu bao gồm các thành tạo magma, trầm tích, biến chất, khoáng sản cho Trường Đại học Mỏ - Địa chất phục vụ công tác đào tạo.

Tạp chí Địa chất được thành lập từ năm 1961, và từ năm 1993 đến nay đã xuất bản được gần gần 400 số Tạp chí bằng tiếng Việt và 50 số bằng tiếng Anh, là một tạp chí chuyên ngành về địa chất và khoáng sản, có nội dung khoa học phong phú, giới thiệu các kết quả nghiên cứu, điều tra, thăm dò khoáng sản, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ rất hữu ích trong thực tiễn cũng như trong nghiên cứu khoa học, là một trong những công cụ tuyên truyền, đào tạo và là mối liên hệ giữa hoạt động của ngành Địa chất Việt Nam với hoạt động địa chất quốc tế.

Trong khoảng 5 năm gần đây, có khoảng hơn 1.200 lượt tổ chức, cá nhân đến tham khảo, thu thập tài liệu địa chất khoáng sản tại Trung tâm Thông tin, Lưu trữ và Tạp chí địa chất, khoảng gần 1.000.000 lượt truy cập vào Website của Trung tâm Thông tin, Lưu trữ và Tạp chí địa chất để tra cứu các thông tin liên quan tới các tài liệu địa chất được lưu trữ.

Thành tựu trong hợp tác và thực hiện nghĩa vụ quốc tế

Công tác hợp tác quốc tế trước đây và hiện nay luôn được coi trọng và đa dạng hoá, đa phương hóa với nhiều tổ chức khoa học, chính phủ, các công ty trên thế giới như: Anh, Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Australia, Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Cộng hoà Séc, các nước trong ASEAN, Trung Quốc,... Đặc biệt là sự hợp tác với các tổ chức quốc tế như: Chương trình phát triển của Liên hợp quốc UNDP, ESCAP về dự thảo Luật Khoáng sản, nghiên cứu nước ngầm châu thổ Sông Hồng và Mê Kông; Chương trình khoa học địa chất vùng Đông và Đông Nam Á (CCOP); Hội đồng Vành đai Thái Bình Dương về năng lượng và tài nguyên khoáng sản (CPCEMR); Chương trình Khoa học Địa chất Quốc tế (IGCP), Uỷ ban Bản đồ Địa chất thế giới (CGMW), Tổ chức Kinh tế, Xã hội và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO)...

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã tích cực tham gia kế hoạch hành động hợp tác ASEAN về khoáng sản (AMCAP) III, giai đoạn 2016-2020 như: hoạt động hợp tác ASEAN về khoáng sản, tham dự khóa đào tạo kinh nghiệm thai thác đá quý gắn với tăng cường năng lực trong lĩnh vực khoáng sản; Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về khoáng sản (AMMin) lần thứ 7; Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về khoáng sản (ASOMM) lần thứ 19; Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN và ba nước tham vấn (ASOMM+3) lần thứ 12, tổ chức vào tháng 12/2019 tại Thái Lan.

Sự kiện ghi dấu ấn quan trọng trong hoạt động hợp tác quốc tế là Đại hội địa chất, tài nguyên khoáng sản và năng lượng Đông Nam Á lần thứ 15 (GEOSEA XV) do Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì tổ chức tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 500 đại biểu chính thức trong nước và quốc tế. Trong đó có 112 đại biểu quốc tế là các nhà địa chất và các nhà quản lý tài nguyên trái đất đến từ các nước: Nga, Anh, Đức, Úc, Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản, Trung quốc, Ấn độ, Ba Lan, Bỉ, Campuchia, CHDCND Lào, Mông Cổ, Thái Lan, Philippines, Myanmar, Malaysia, Indonesia. Đại hội tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, thăm dò và khai thác tài nguyên trong cộng đồng các nước ASEAN và các tổ chức quốc tế liên quan.

Hợp tác với các nhà địa chất Liên bang Nga trong việc nghiên cứu, điều tra về nguồn gốc và triển vọng quặng urani; điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỉ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội... Hợp tác với Cục Địa chất Vương quốc Anh trong đào tạo về xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất, khoáng sản và không gian ngầm phục vụ cho việc lập dự án "Địa chất đô thị Hà Nội". Hợp tác với các chuyên gia Mỹ và Canada trong việc nghiên cứu các thông số cơ bản phục vụ công nghệ khí hóa than nâu vùng đồng bằng sông Hồng… Những kết quả đạt được thông qua hợp tác quốc tế đã nâng cao vị thế ngành Địa chất Việt Nam trên trường quốc tế và đào tạo, nâng cao tay nghề cho nhiều chuyên gia trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, tăng cường năng lực công nghệ và thiết bị được trang bị.

Thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước đối với các nước láng giềng anh em, các đơn vị địa chất đã thành lập bản đồ địa chất Việt Nam – Lào - Campuchia tỷ lệ 1:1.000.000, lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 trên 70% lãnh thổ Lào. Kết quả điều tra đã giúp phát hiện nhiều vùng quặng có quy mô lớn, như muối mỏ ở các bồn trũng Viên Chăn và Savannakhet, thạch cao ở Trung Lào, bauxit ở Nam Lào, sắt ở Xiêng Khoảng, than nâu và đồng ở Bắc Lào và đã phát hiện hàng trăm điểm biểu hiện khoáng sản giúp cho Chính phủ có cơ sở khoa học để kêu gọi đầu tư của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước trong lĩnh vực thăm dò và khai thác khoáng sản. Kết quả đó đã được Chính phủ Lào đánh giá cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội của nước bạn Lào, góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai Nhà nước, hai dân tộc.

Thành tựu trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản

Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là nhiệm vụ trọng tâm và hết sức quan trọng của Ngành nhằm quản lý, bảo vệ chặt chẽ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước trước mắt cũng như lâu dài.

Ngày 22/01/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 09/SL khẳng định “tất cả các nguồn khoáng chất ở Việt Nam đều là của nhà nước”, và Sắc lệnh số 10/SL về “Quy định chế độ khai thác mỏ”, đây có thể nói là những văn bản pháp luật đầu tiên về quản lý khoáng sản. Từ năm 1983, Tổng cục Địa chất (sau này là Tổng cục Mỏ và Địa chất) đã xây dựng, trình ban hành Pháp lệnh về Tài nguyên khoáng sản (năm 1989). Đến năm 1996, lần đầu tiên, Luật khoáng sản được ban hành và sau đó được sửa đổi, bổ sung vào năm 2005. Sau 13 năm thực hiện Luật khoáng sản năm 1996, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XII đã thông qua Luật khoáng sản năm 2010 để thay thế Luật khoáng sản năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2005). Đến nay, sau gần 10 năm thực hiện Luật khoáng sản năm 2010, Tổng cục đã chủ trì xây dựng để Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 06 Nghị định; 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và gần 50 Thông tư, Thông tư liên tịch để hướng dẫn thực hiện. Có thể nói, cùng với 75 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Địa chất Việt Nam, đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đã hoàn thiện, tạo nên hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản; bảo vệ môi trường sinh thái; bảo vệ an ninh quốc phòng.

Từ khi chỉ có một số mỏ như thiếc Tĩnh Túc, vàng Bồng Miêu, Chợ Bến, antimon Chiêm Hóa, photphorit Nghệ An, than Đầm Đùn, Khe Bố v.v.. được khai thác ở giai đoạn những năm thập kỷ 60 thế kỷ XX, công tác cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản ngày càng chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật để kịp thời đưa các mỏ khoáng sản vào khai thác để phát triển đất nước trong từng thời kỳ, đồng thời bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường, cảnh quan, di sản văn hóa - lịch sử, địa chất. Đến nay đã có trên 3.000 khu vực đang khai thác gần 50 loại khoáng sản khác nhau trên phạm vi cả nước, như: than, khoáng sản kim loại, phi kim loại, khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu xi măng, nước khoáng... Giá trị sản lượng ngành công nghiệp khai khoáng chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của đất nước; thu ngân sách nhà nước từ thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng khoáng sản của các ngành kinh tế trong nước và một phần để xuất khẩu.

Trong quản lý nhà nước về khoáng sản, thanh tra, kiểm tra là hoạt động có vai trò quan trọng luôn được Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, chỉ đạo. Từ khi chỉ có một phòng thuộc Tổng cục Mỏ và Địa chất (trước đây), sau 75 năm, lực lượng cán bộ thanh tra, kiểm tra về khoáng sản đã có hệ thống từ Tổng cục đến các Sở Tài nguyên và Môi trường cả nước. Đến nay, Tổng cục đã có 03 Cục chuyên trách được giao đầu mối thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành khoáng sản, cùng sự phối hợp của các Cục, Vụ có liên quan, sự tham gia của một số đơn vị địa chất đã giúp Tổng cục thực hiện thường xuyên và ngày càng hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành khoáng sản. Theo đó, hàng năm, đã có hàng trăm đợt thanh tra, kiểm tra chuyên đề, định kỳ được Tổng cục thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, đã phát hiện và xử lý nhiều hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, góp phần chấn chỉnh và đưa hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đi vào nền nếp, tuân thủ pháp luật về khoáng sản, đồng thời thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện những nội dung bất cập, hạn chế của các quy định pháp luật, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung ban hành các văn bản pháp luật về khoáng sản phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi.

Định hướng phát triển ngành địa chất Việt Nam

Trước yêu cầu thực tiễn ngày càng cao để phát triển đất nước, ngành Địa chất Việt Nam cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

(1) Hoàn thành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị để xây dựng, trình ban hành Nghị quyết mới nhằm định hướng chiến lược khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổng kết 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, trong đó tập trung đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách, quy định của Luật. Trên cơ sở đó, đến năm 2022 hoàn thành việc xây dựng Luật Khoáng sản (mới) để Chính phủ trình Quốc hội khóa XV ban hành.

(2) Xây dựng để trình ban hành Chiến lược tài nguyên khoáng sản là cơ sở cho việc hoàn thiện các Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản nhằm bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản cho trước mắt và lâu dài. Quản lý và tổ chức thực hiện Chiến lược, Quy hoạch một cách bài bản, hiệu quả. Thành lập hệ thống cơ sở dữ liệu tin cậy và đồng bộ về các tài nguyên khoáng sản, cấu trúc địa chất, môi trường địa chất, tai biến địa chất; làm cơ sở để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các vùng, các đô thị, các cụm dân cư, các công trình xây dựng lớn một cách bền vững hiệu quả.

(3) Tiếp tục xây dựng, đổi mới ngành Địa chất có năng lực chuyên môn và công nghệ hiện đại, nhằm điều tra, đánh giá, thăm dò các loại tài nguyên trong lòng đất, lòng biển đạt hiệu quả, chất lượng cao; từng bước điều tra, đánh giá khoáng sản ẩn sâu trong lòng đất đến 500-2000 m; đánh giá tài nguyên khoáng sản biển.

(4) Công tác đào tạo cán bộ và hợp tác quốc tế: Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao cần được đẩy mạnh bằng hình thức đào tạo và đào tạo lại, hợp tác đào tạo với nước ngoài trên cơ sở đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật hiện có. Xây dựng chính sách hợp lý nhằm thu hút lực lượng lao động trẻ, bồi dưỡng tạo một đội ngũ cán bộ kế cận có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương, đa phương nhằm tranh thủ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến, áp dụng sáng tạo vào lĩnh vực điều tra, đánh giá, thăm dò và chế biến khoáng sản cũng như công tác quản lý hoạt động khoáng sản.

Với bề dày truyền thống đoàn kết và vượt mọi khó khăn, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ngành Địa chất Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao./.

Bài viết khác