Chuyển tới nội dung

Ngành Địa chất Việt Nam – Chung tay làm giàu đất nước

11.05.2020

Sau 15 năm hoạt động trong cơ cấu của Bộ TN&MT, phát huy truyền thống lịch sử của hơn 50 năm trước đó, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã và đang tiếp tục phát triển với nhiều thành tích, đóng góp đáng kể vào kết quả chung của Bộ cũng như của nền kinh tế quốc gia. Nhân dịp Kỷ niệm 15 năm thành lập Bộ TN&MT, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam về những thành tựu nổi bật của ngành trong thời gian qua.

Ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam

Ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam

PV: Ông có thể cho biết, 15 năm qua, Tổng cục đã có những đóng góp quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc gia?

Ông Đỗ Cảnh Dương: Phát huy truyền thống của ngành Địa chất, sau 15 năm hoạt động trong cơ cấu của Bộ TN&MT, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng chú ý:

Nổi bật là hoàn thành trên 60.000 km2 lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000. Ngoài những phát hiện về địa chất có giá trị khoa học, Tổng cục đã phát hiện hàng trăm điểm khoáng sản có giá trị, tạo tiền đề cho việc đánh giá, thăm dò khoáng sản, đồng thời, khoanh định được các cấu trúc có tiền đề, dấu hiệu thuận lợi cho việc tìm kiếm, phát hiện các mỏ mới.

Công tác điều tra, đánh giá khoáng sản đã phát hiện và xác định tài nguyên của hàng trăm khu mỏ khoáng sản có quy mô về tài nguyên, trữ lượng khác nhau. Một số loại khoáng sản có giá trị mới được phát hiện như: quặng titan - zircon sa khoáng trong tầng cát đỏ phân bố ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu đạt trên 550 triệu tấn tinh quặng; phát hiện mới và chính xác hóa tổng tài nguyên quặng bauxit miền Nam Việt Nam trên 9,5 tỷ tấn quặng nguyên khai. Nhiều mỏ mới đã được đưa vào thăm dò, khai thác như: Mỏ đồng Tả Phời, Lào Cai; các mỏ magnezit Kong Queng, Gia Lai; sắt, đồng, mangan; chì - kẽm ở Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ; thiếc, wolfram ở Trung Trung Bộ; quặng kim loại Liti ở Quảng Ngãi; các khoáng chất công nghiệp như: Kaolin, felspat, đá hoa trắng, cát thủy tinh, dolomit, diatomit… và vật liệu xây dựng đá vôi, đá ốp lát, cát cuội sỏi, sét gạch ngói... đã được phát hiện ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Có thể nói, các khoáng sản được phát hiện, đánh giá trong 15 năm trở lại đây, đã góp phần xác định nguồn nguyên, nhiên liệu cho các ngành kinh tế, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước và dự trữ lâu dài một số loại khoáng sản.

PV: Khoáng sản là một loại tài nguyên hữu hạn, hầu hết không tái tạo, vậy theo ông, chúng ta phải định hướng khai thác như thế nào để mang lại hiệu quả bền vững?

Ông Đỗ Cảnh Dương: Tài nguyên hữu hạn, hầu hết không tái tạo nên khi khai thác khoáng sản phải tuân thủ nguyên tắc theo quy định của Luật Khoáng sản. Theo đó, khai thác khoáng sản phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch khoáng sản đã duyệt; gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Mặt khác, khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản.

Để thực hiện nguyên tắc nêu trên, việc định hướng khai thác bền vững khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường phải được thực hiện ngay trong quá trình lập quy hoạch khoáng sản. Theo đó, quy hoạch khai thác các mỏ khoáng sản phải cân đối giữa bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước với việc dự trữ khoáng sản lâu dài cho tương lai, phù hợp với trình độ, kỹ thuật khai thác, chế biến và mục tiêu sử dụng hiệu quả khoáng sản. Khi chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án đầu tư khai thác khoáng sản cần làm rõ năng lực của nhà đầu tư để lựa chọn, yêu cầu phải đáp ứng tiêu chí khi khai thác phải thu hồi tối đa khoáng sản chính, các khoáng sản đi kèm, đồng thời phải sử dụng hiệu quả, tiết kiệm khoáng sản sau khai thác. Đối với loại khoáng sản mà do trình độ công nghệ khai thác, chế biến tại thời điểm lập Dự án đầu tư chưa thể thu hồi, phải có quy hoạch lưu giữ để tiếp tục thu hồi, sử dụng khi có đủ điều kiện.

Khi thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường cần đánh giá đầy đủ, toàn diện các tác động tới môi trường của từng khâu công nghệ khai thác; tác động do yếu tố địa hóa của loại khoáng sản được khai thác để lựa chọn các giải pháp tối ưu nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường. Việc tính toán, xác định khối lượng, dạng công việc cải tạo, phục hồi môi trường cần thực hiện ngay trong quá trình khai thác cũng như khi kết thúc khai thác, đóng cửa mỏ nhằm sử dụng hiệu quả các công trình, diện tích đất, không gian đã khai thác theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu người dân địa phương.
 

ĐCKS

PV: Chủ trương quan trọng của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp khai khoáng là chế biến sâu, đổi mới khoa học công nghệ loại bỏ hoạt động khai thác thô sơ, lạc hậu, vậy, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã thực thi nhiệm vụ quản lý của mình như thế nào để đóng góp vào tiến trình thay đổi này?

Ông Đỗ Cảnh Dương: Để thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với khai thác, chế biến, sử dụng hiệu quả khoáng sản, thời gian qua, nhất là từ năm 2003 trở lại đây, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT làm được một số khối lượng công tác khá lớn.

Theo đó, Tổng cục đã chủ trì xây dựng để Bộ giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 Luật, trình Chính phủ ban hành 10 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ 4 Chỉ thị, 4 Quyết định liên quan trực tiếp đến lĩnh vực địa chất và khoáng sản; xây dựng và trình Bộ ban hành theo thẩm quyền 23 Thông tư (5 Thông tư quy định quản lý, 18 Thông tư ban hành 18 quy chuẩn kỹ thuật), 88 Tiêu chuẩn Việt Nam trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; xây dựng và trình Bộ ban hành 20 Thông tư quy định và hướng dẫn trong quản lý Nhà nước về khoáng sản. Ngoài ra, tham gia cùng với các đơn vị thuộc Bộ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Quyết định, trình Bộ ban hành 15 Thông tư liên quan đến lĩnh vực địa chất, khoáng sản; tham gia cùng với các Bộ có liên quan (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính) trình ban hành 6 Thông tư liên tịch trong quản lý khoáng sản.

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản như đã nêu trên, Tổng cục đã giúp Ban Cán sự Đảng Bộ trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 25/4/2011 về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 22/12/2011 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW. Đặc biệt, thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, Tổng cục đã xây dựng để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 2427/QĐ-TTG ngày 22/12/2011 làm cơ sở định hướng cho công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản.

PV: Một trong những hoạt động quan trọng trong công tác quản lý là điều tra cơ bản, tìm kiếm khoáng sản cho tương lai, đảm bảo an ninh năng lượng. Trong thời gian qua, Tổng cục đã thực thi nhiệm vụ này như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Cảnh Dương: Từ năm 2007 đến nay, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã được thực hiện theo “Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản” trong từng giai đoạn; đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 tại Quyết định số 116/2007/QĐ-TTg ngày 23/7/2007 và đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1388/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trong 15 năm qua, Tổng cục đã và đang thực hiện 35 nhóm tờ đo vẽ lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000, trong đó, đã hoàn thành 28 nhóm tờ; thực hiện 50 đề án đánh giá khoáng sản, 38 đề án đã hoàn thành; hoàn thành nhiều đề án nghiên cứu về địa vật lý; môi trường đô thị; thành lập các loại bản đồ tổng hợp và tai biến, môi trường, địa nhiệt, nước nóng - nước khoáng, bản đồ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn cả nước với các kết quả đạt được như đã nêu trên.

Đặc biệt, hiện nay, các đơn vị trong Tổng cục đang tiến hành 2 đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng than vùng đồng bằng sông Hồng” và “Thăm dò urani khu vực Pà Lừa - Pà Rồng, Quảng Nam”. Kết quả bước đầu là khá khả quan, đã xác định diện tích có mật độ chứa than cao ở vùng đồng bằng sông Hồng là khoảng 960 km2. Trong đó, ở khu vực ven biển Tiền Hải, Thái Bình (20km2) đã xác định được tài nguyên than khoảng 1,4 tỷ tấn, than có chất lượng tốt, đã được chuyển giao thăm dò 5 km2 ở khu vực Nam Thịnh, Tiền Hải, Thái Bình; Đề án Thăm dò urani khu vực Pà Lừa - Pà Rồng, Quảng Nam đã xác định được các khu vực tập trung các thân quặng có giá trị là Lô A và Lô G. Tổng cục đang thăm dò tiếp các lô còn lại và kết hợp nghiên cứu qui luật phân bố và làm rõ nguồn cung cấp quặng urani để định hướng công tác thăm dò tiếp theo.

Trong năm 2017, Tổng cục đã trình Bộ TN&MT Đề án “Tổng hợp, đánh giá hiện trạng tài nguyên than đến đáy tầng than bể than Đông Bắc để phục vụ quy hoạch thăm dò hiệu quả” và Đề án chính phủ “Điều tra đánh giá tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững. Trong đó, Đề án Đánh giá tổng thể tiềm năng địa nhiệt vùng Tây Bắc là một trong những đề án thành phần. Dự kiến, các đề án này sẽ được triển khai trong năm 2018.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: www.monre.gov.vn

Bài viết khác