Lịch sử phát triển
I. Giới thiệu
Sự ra đời của khoa Địa chất trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội gắn liền với sự thành lập Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Dấu mốc quan trọng là ngày 23/8/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1583/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Mới thành lập từ năm 2010, với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng, tập thể cán bộ giảng viên khoa Địa chất luôn luôn học hỏi, lắng nghe tiếp thu các ý kiến của lãnh đạo Nhà trường, các trường đại học trên cả nước, tham khảo chương trình đào tạo của nhiều nước trên thế giới, khảo sát nhu cầu về nguồn nhân lực trong ngành Địa chất, đặc biệt là lĩnh vực quản lý Tài nguyên Khoáng sản. Bên cạnh các trường Đại học có thương hiệu và danh tiếng với thâm niên đào tạo ngành Địa chất có kinh nghiệm mấy thập kỷ, như Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội và ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN. Đây là những thách thức lớn, nhưng “trong cái khó” lại “ló cái khôn”. Đó là phải tìm ra điểm khác biệt, nhằm lấp đầy khoảng trống trong đào tạo của ĐH Mỏ - Địa chất và ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN. Sự ra đời của chuyên ngành Quản lý Tài nguyên và Khoáng sản đã mang lại những hiệu ứng tích cực.
Hiện nay, Khoa địa chất có 02 bộ môn, bộ môn Địa chất khai thác Mỏ và bộ môn Quản lý Tài nguyên Khoáng sản. Sự ra đời của hai bộ môn này nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực có khả năng đảm nhiệm các công tác từ khâu khảo sát, điều tra, khai thác, chế biến, cuối cùng là phải quản lý được nguồn Tài nguyên Khoáng sản cho Quốc gia. Đây chính là một hướng đi đúng đắn và cũng là là nét đặc thù của Khoa Địa chất của Trường ĐH tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Kết quả tuyển sinh ĐH khóa đầu tiên ngành Kỹ thuật Địa chất của Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã phản ánh được nhu cầu cấp thiết trong đào tạo nguồn lực quản lý tài nguyên khoáng sản cho đất nước.
Việc đào tạo hệ Đại học chính quy được bắt đầu từ năm 2013, hiện nay Khoa Địa chất đang thực hiện công tác giảng dạy cho 3 lớp Đại học và 3 lớp Cao Đẳng. Dự kiến Khoa Địa chất sẽ mở thêm các chuyên ngành mới như: Địa chất ứng dụng và Địa kỹ thuật - Tai biến Địa chất. Phấn đấu năm 2015 sẽ đào tạo Thạc sỹ.
Có thể nói, mùa tuyển sinh 2014- 2015 mang lại những thành công ngoài mong đợi, các sinh viên trúng tuyển đến nhập học vào ngành Kỹ thuật Địa chất vượt 32%. Những gương mặt rạng ngời, tươi sáng, đầy nhiệt huyết của các tân sinh viên trong ngày tựu trường, báo hiệu sự khởi đầu tốt đẹp, đầy hứa hẹn. Tập thể cán bộ khoa Địa chất rất đỗi tự hào nhưng cũng cũng xác định đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề trong sự nghiệp “trồng người”, nhằm đáp ứng được sự mong chờ của xã hội.
Khoa Địa chất của Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được sự quan tâm đặc biệt của các đơn vị trong Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đây là điều kiện tốt, hỗ trợ cho Khoa phát triển, các sinh viên có điều kiện thực hành tại các Liên đoàn, các Trung tâm trong Tổng cục Địa chất
Chiến lược phát triển của Khoa Địa chất đến năm 2020 tầm nhìn 2030 xuất phát từ thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội bền vững, phù hợp với yêu cầu của phát triển và hội nhập quốc tế, trở thành một khoa trong trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có uy tín về năng lực đào tạo, nghiên cứu, tổ chức và triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ quy mô cấp Nhà nước và quốc tế, ngang tầm với các khoa có chuyên môn lĩnh vực địa chất địa chất khoáng sản trong các trường đại học tiên tiến trong khu vực và tiệm cận với các cơ sở đào tạo đại học uy tín quốc tế.
II. Chức năng, nhiệm vụ
a. Công tác tuyển sinh
Phối hợp với phòng Đào tạo và các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất phương án, chỉ tiêu tuyển sinh các hệ đào tạo và các bậc đào tạo, thực hiện công tác tuyển sinh theo kế hoạch của HĐTS trường.
Phối hợp với phòng Đào tạo tổ chức tiếp nhận, phân lớp và thu nhận hồ sơ người học theo kế hoạch của HĐTS.
b. Công tác đào tạo
Đào tạo kỹ sư kỹ thuật địa chất có kiến thức và kỹ năng thực hành nghề nghiệp, đủ khả năng đảm nhận công tác thiết kế, tổ chức và thi công trong các lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò khoáng sản, đánh giá trữ lượng và chất lượng quặng, dự báo khả năng sinh khoáng và điều kiện thành tạo của chúng; Quản lý tài nguyên Khoáng sản; Có khả năng mở rộng và nâng cao kiến thức để học tiếp ở các bậc học về sau.
- Về kiến thức: Sau khi tốt nghiệp sinh viên có một hệ thống kiến thức cơ bản và hiện đại của ngành kỹ thuật địa chất, cập nhật những tiến bộ khoa học địa chất, quản lý Tài nguyên - Khoáng sản. Đồng thời trang bị cho sinh viên khối kiến thức chính trị, triết học và khoa học xã hội nhằm đạt trình độ đào tạo hoàn chỉnh, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Về kỹ năng: Có khả năng vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học, làm việc độc lập, tổ chức hợp tác trong các hoạt động thuộc ngành được đào tạo. Có khả năng tổng hợp, xử lý tài liệu và trình bày báo cáo các kết quả nghiên cứu khoa học và các kết quả thực hiện nhiệm vụ có liên quan tới ngành kỹ thuật địa chất.
- Về thái độ: Có phẩm chất chính trị và lối sống lành mạnh, trung thực trong khoa học, trách nhiệm trong công việc, đoàn kết và hợp tác trong cuộc sống.
- Về năng lực: Kỹ sư ngành “kỹ thuật địa chất” có khả năng tổ chức, thiết kế, khảo sát, đo vẽ lập bản đồ địa chất.
c. Công tác NCKH
a. Chủ động đề xuất các đề tài NCKH của tập thể, cá nhân trong khoa, phối hợp với phòng KHCN và HTQT chỉ đạo các bộ môn tổ chức thực hiện các đề tài, dự án được phê duyệt. Tham gia viết và đăng bài trên tạp chí khoa học của trường; chủ động xây dựng nội dung và công tác truyền thông của khoa trên trang Web của trường.
b. Tổ chức cho người học đăng ký tham gia NCKH hoặc phối hợp cùng NCKH với giảng viên, tổ chức tham gia thực hiện công tác NCKH và hợp tác quốc tế khi nhà trường giao.
c. Phối hợp với phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế tổ chức và quản lý chất lượng các hoạt động khoa học và công nghệ, chủ động khai thác các dự án hợp tác trong nước và quốc tế; phối hợp với các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài trường, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và phục vụ nhu cầu xã hội.
d. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp
- Chuyên viên tại các cơ quan quản lý nhà nước các cấp về lĩnh vực Địa chất và khoáng sản;
- Nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu về lĩnh vực liên quan đến địa chất và khoáng sản.
- Giảng viên chuyên ngành Kỹ thuật Địa chất tại các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp đào tạo về chuyên ngành Kỹ thuật Địa chất;
- Kỹ thuật viên tại các liên đoàn địa chất; các phòng thí nghiệm và trung tâm phân tích ngành địa chất, các bảo tàng địa chất, các doanh nghiệp hoạt động địa chất- khoáng sản trên cả nước.
Các chuyên ngành đào tạo: Địa chất Khai thác mỏ; Quản lý Tài nguyên Khoáng sản.
III. Cơ cấu tổ chức: