Chuyển tới nội dung

Để quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản

17.05.2020

Thời gian qua, việc khai thác và xuất khẩu thô tài nguyên vẫn còn phổ biến, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, tỷ lệ thất thoát cao, để lại nhiều hậu quả đối với môi trường và xã hội... Một trong những nguyên nhân dẫn đến những yếu kém đó là do thiếu minh bạch trong quản lý, cấp phép, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản. Phóng viên Báo Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến của các chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này.

Ông Lại Hồng Thanh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản: Sẽ xử nặng doanh nghiệp gây sự cố môi trường

de quan ly hieu qua tai nguyen khoang san

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các tổ chức, cá nhân đều lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp phép khai thác. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp giảm thiểu tác động tới môi trường; chưa xây dựng đầy đủ hoặc xây dựng chưa đúng thiết kế các công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt.

Việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm thuộc trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền về môi trường. Tuy nhiên, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã có sự phối hợp thường xuyên với cơ quan quản lý môi trường trong thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản.

Khi thực hiện nhiệm vụ, thanh tra chuyên ngành khoáng sản, nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, Tổng cục đều lập biên bản và chuyển cơ quan có thẩm quyền về môi trường xử phạt theo quy định.

Đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường nghiêm trọng, nếu đã xử phạt hành chính, đã hạn định thời gian để khắc phục nhưng vẫn không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ, Tổng cục sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép khai thác theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

TS Phạm Quang Tú, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam: Củng cố thể chế chính sách nội tại

de quan ly hieu qua tai nguyen khoang san

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Viện Quản trị tài nguyên thiên nhiên (NGRI) Thái Bình Dương mới công bố chỉ số quản trị tài nguyên (chỉ số quản trị quốc tế duy nhất trên thế giới về tài nguyên nhằm đánh giá chất lượng quản trị tài nguyên thiên nhiên) thực hiện tại 81 quốc gia năm 2017. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 45, thuộc nhóm yếu, gần cuối cùng của top yếu và ngấp nghé top kém.

Qua khảo sát cho thấy, Việt Nam được đánh giá là có hệ thống văn bản pháp luật tương đối đầy đủ về số lượng nhưng thực thi còn rất nhiều yếu kém. Đặc biệt, thực thi trong quản lý nguồn thu ngân sách chỉ được 30 điểm, coi như là kém và gần rất kém, đó là vấn đề chúng ta cần quan tâm.

Khi chúng ta xác định được điểm yếu của khai thác khoáng sản thì quan trọng là phải thực hiện 2 việc: Củng cố thể chế chính sách nội tại và tham khảo, tiếp xúc và thực thi một số công cụ của quốc tế phù hợp với Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam chỉ mới tập trung củng cố hệ thống văn bản pháp luật. Còn với các tiêu chí của quốc tế thì Việt Nam mới bắt đầu tiếp cận nhưng còn ngần ngại trong việc tiếp nhận. Ví dụ như Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) - một trong những tiêu chuẩn quốc tế về quản trị tài nguyên thiên nhiên - là một trong những công cụ hữu hiệu. Thế nhưng, mặc dù Việt Nam đã tiếp cận EITI gần 10 năm rồi nhưng đến nay vẫn chưa thể thực thi.

de quan ly hieu qua tai nguyen khoang san
Khai thác than ngày càng khó khăn hơn

Về giải pháp để quản lý và khai thác khoáng sản bền vững, tôi cho rằng, điều đầu tiên phải làm là đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Luật Khoáng sản 2010. Tôi nghĩ cần ngay lập tức là sửa đổi Luật Khoáng sản 2010 vì còn có nhiều lỗ hổng. Thứ nữa, cần tăng cường thực thi luật pháp tại các địa phương, không có cách nào tốt hơn là tăng cường sự tham gia của các bên liên quan và có cơ chế bảo đảm công khai minh bạch trong quá trình khai thác.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Sự công khai, minh bạch là quan trọng nhất

de quan ly hieu qua tai nguyen khoang san

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đóng góp của công nghiệp khoáng sản của Việt Nam từ trước đến nay chủ yếu là từ dầu và khí, nhưng cũng có đóng góp của khoáng sản khác, đặc biệt là khoáng sản để cung cấp cho sản xuất sắt thép, xi măng, xây dựng... Trước đây, công nghiệp khai khoáng đóng góp 11% GDP, 28-29% số thu ngân sách, có năm đóng góp của dầu khí tới 24% số thu ngân sách, nhưng hiện đã giảm đi rất nhiều.

Công nghiệp khoáng sản của Việt Nam được quản lý bởi Luật Khoáng sản 2010 nhưng vẫn còn phân tán, chẳng hạn, việc quản lý tài nguyên khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhưng việc khai thác khoáng sản liên quan đến công nghiệp do Bộ Công Thương quản lý…

 

Cùng với đó là sự phân tán giữa quản lý ở Trung ương và địa phương. Mỏ lớn do bộ cấp phép, mỏ nhỏ giao cho các tỉnh cấp phép. Gần đây báo chí luôn đưa tin việc khai thác khoáng sản lậu không phép như vàng ở Tây Nguyên mà cơ quan địa phương không hề biết trong nhiều năm, hay việc khai thác cát dẫn đến xói lở gây xung đột tại nhiều địa phương. Như vậy, việc quản lý khai thác các mỏ nhỏ, khoáng sản khá phân tán nên việc thống kê và quản lý nguồn thu cho ngân sách có nhiều thiếu sót.

Vai trò của thể chế, sự công khai, minh bạch là quan trọng nhất. Việt Nam cần công khai minh bạch thông tin để có được đánh giá toàn diện nhất, đặc biệt cần phải đánh giá đầy đủ tác động về môi trường. Có nhiều mỏ nhỏ khai thác khoáng sản ở địa phương, đóng góp của chủ mỏ không đủ bù đắp việc làm hỏng đường và gây ô nhiễm môi trường, tác động tới đời sống của người dân địa phương rất lớn.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Thực thi luật nhất quán, nghiêm minh

de quan ly hieu qua tai nguyen khoang san

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thực tế, thời gian qua, ngành khai thác khoáng sản Việt Nam phát triển chưa thực sự bền vững. Những vấn đề liên quan tới môi trường, sinh kế của người dân vẫn bị ảnh hưởng khá là nhiều. Trong vài năm qua, ngành khoáng sản có tốc độ phát triển thấp hơn so với nhiều ngành khác. Tình trạng này có hai nguyên nhân: Nguyên nhân chính là sự suy giảm của thị trường thế giới. Nguyên nhân nữa là do sự thay đổi chính sách, đặc biệt là thuế, phí tăng lên rất nhanh. Có những doanh nghiệp cho chúng tôi xem giấy tờ thấy nghĩa vụ thuế, phí của họ tăng gấp 3 lần trong 4 năm, đây là con số tăng quá là lớn đối với doanh nghiệp. Với chính sách thay đổi như vậy thì các doanh nghiệp rất khó có thể duy trì được hoạt động.

Những kết quả điều tra của chúng tôi cho thấy, chính sách thay đổi trong ngành khoáng sản của Việt Nam rất nặng nề với các doanh nghiệp. Nhưng tôi cho rằng, thay đổi trên văn bản pháp luật không nghiêm trọng bằng trong cách thực thi. Bởi các quy định pháp luật Việt Nam về lĩnh vực khoáng sản khá đầy đủ, trường hợp nào doanh nghiệp được khai thác, trường hợp nào doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép, trường hợp nào bị xử phạt... nhưng cơ quan có thẩm quyền có thực thi nghiêm những quy định đó hay không? Thực tế là nhiều doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm nhưng không thấy ai xử lý cả và người ta hiểu với nhau rằng hành vi đó chấp nhận được. Cho đến một ngày, cơ quan có thẩm quyền lại xử lý những hành vi vi phạm ấy, khiến doanh nghiệp rất rủi ro và khi chứng kiến rủi ro như vậy thì những doanh nghiệp đầu tư sau sẽ ngần ngại đầu tư lớn.

Tôi nhận thấy một điều, trong ngành khoáng sản Việt Nam hiện nay, đầu tư của doanh nghiệp tư nhân rất hạn chế, nói một cách khác, rất nhiều doanh nghiệp làm ăn chộp giật. Làm ăn chộp giật, lỗi của doanh nghiệp 1 thì lỗi thay đổi chính sách và thực thi chính sách không nhất quán tới 3.

Dẫn thêm từ luật đến thực tế đang gặp trở ngại, tôi xin ví dụ: Trong Luật Khoáng sản có quy định về việc cấp phép, quy định cơ quan quản lý Nhà nước sẽ ban hành quy hoạch, doanh nghiệp nhìn vào quy hoạch có những mỏ nào thì sẽ nộp đơn xin phép khai thác ở mỏ đó, có quy trình đấu giá hoặc xem xét đơn. Đó là lý thuyết. Còn thực tế, khi nhìn vào quy hoạch khoáng sản, doanh nghiệp sẽ chẳng nhìn thấy mỏ nào khai thác được cả, muốn có mỏ thì doanh nghiệp phải tự tìm thông tin mỏ và thuyết phục cơ quan quản lý Nhà nước bổ sung mỏ đó vào quy hoạch, sau đó mới xin phép. Việc xin bổ sung mỏ vào quy hoạch và không thuộc diện đấu giá để chính doanh nghiệp sẽ được cấp phép sẽ nảy sinh tiêu cực. Đây chính là những lỗ hổng của pháp luật.

Có một số ý kiến nói rằng, thuế khoáng sản của Việt Nam cao. Chúng tôi có khảo sát và cũng nhận thấy thuế khoáng sản của Việt Nam cao so với thế giới. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở thuế suất bao nhiêu mà ở việc giám sát thu như thế nào, nhất là khi doanh nghiệp báo cáo sai về sản lượng khai thác. Ví dụ, doanh nghiệp khai thác được 10 tấn song báo cáo chỉ 3 tấn thì cơ quan thuế chỉ thu thuế được trên 3 tấn thôi, thất thoát nguồn tiền rất lớn của ngân sách. Vấn đề chính nằm ở việc giám sát sản lượng một cách chính xác để thu thuế.

Để tăng hiệu quả quản trị tài nguyên khoáng sản, theo tôi, khi phát hiện mỏ, cơ quan có thẩm quyền cần điều tra địa chất cơ bản, ngay lập tức phải thông báo phát hiện mỏ công khai, đến khi đưa vào quy hoạch, nếu chưa cấp phép ngay thì cần thông báo kế hoạch đến thời điểm nào sẽ tiến hành cấp phép khai thác mỏ đó. Sau đó, cơ quan đầu mối quản lý khoáng sản sẽ thực hiện việc đấu giá, mời đối tác chiến lược, để chống tiêu cực trong cấp phép ban đầu. Đây là giải pháp giảm tiêu cực trong giai đoạn đầu tiên.

Đặc biệt, trong việc mua bán khoáng sản cần quy định cụ thể, người mua phải giải trình được khoáng sản mua ở mỏ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nếu không thì quy vào việc mua khoáng sản không có nguồn gốc xuất xứ, để ngăn chặn doanh nghiệp bán chui khoáng sản ra nước ngoài, gây thất thoát tài nguyên quốc gia.

Nguồn: https://petrotimes.vn/de-quan-ly-hieu-qua-tai-nguyen-khoang-san-502275.html

Bài viết khác