Cán bộ, công nhân Ngành Than 50 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ
Bác Hồ gặp mặt Đoàn đại biểu công nhân cán bộ ngành Than và tỉnh Quảng Ninh tại Phủ Chủ tịch ngày 15-11-1968. Ảnh tư liệu. |
Thực hiện lời dạy của Bác, suốt chặng đường 50 năm qua, lớp lớp các thế hệ thợ mỏ đã luôn hăng hái thi đua trong chiến đấu, trong lao động sản xuất với tinh thần “sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”, lập nên những kỳ tích, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Suốt cuộc đời hoạt động Cách mạng của Bác, ngay từ khi còn ở nước ngoài cũng như những năm về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đã luôn dành cho công nhân, cán bộ ngành Than - Khoáng sản sự quan tâm sâu sắc.
Từ năm 1921 đến năm 1945, Bác Hồ đã có 5 bài viết, trong đó có cả Báo cáo gửi Bộ Phương Đông, thư gửi BCHTW Đảng Cộng sản Đông Dương nói về tình hình cơ cực của công nhân mỏ Quảng Ninh dưới sự áp bức bóc lột dã man của thực dân, chủ mỏ và bọn tay sai. Những bài viết và văn kiện này đã thể hiện rất rõ quan điểm bênh vực thợ mỏ của Người.
Khi nước nhà vừa giành được độc lập cũng như suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ đến ngày Khu Mỏ được giải phóng từ tháng 9-1945 đến 5-1955, trong 3 lần gửi thư cho đồng bào, công nhân, cán bộ, chiến sỹ tỉnh Quảng Ninh thì có 2 lần Bác nói về công nhân mỏ và sản xuất than, trong đó một lần Người gửi thư cho công nhân Khu mỏ Hòn Gai. Cũng trong giai đoạn này, có một lần về Vịnh Hạ Long làm việc với đại diện của Chính phủ Pháp để bàn thực hiện Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 mà Bác đã ký với Pháp, sau khi ngắm biển trời Đông Bắc, Bác đã nói: “Vùng Mỏ của đất nước ta thật là đẹp và giàu. Thợ mỏ của ta thật vô cùng anh dũng”.
Ngay sau khi Khu Mỏ được giải phóng chưa đầy một tháng, ngày 23-5-1955, Bác đã tiếp và nói chuyện với đại biểu công nhân khu Hồng Quảng tại Phủ Chủ tịch. Những năm đầu xây dựng đất nước, Bác rất quan tâm đến ngành khai khoáng luyện kim Việt Nam mà mỏ thiếc Tĩnh Túc, Cao Bằng là đứa con đầu lòng được thành lập năm 1955 có quy mô lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ. Ngày 15-9-1958, Bác Hồ về thăm mỏ thiếc Tĩnh Túc - Cao Bằng (Tổng công ty Khoáng sản). Từ năm 1957 đến năm 1965, Bác đã về Quảng Ninh 6 lần, trong đó có một lần vào ngày 30-3-1959 Người đến thăm và nói chuyện với công nhân, cán bộ công trường than Đèo Nai (nay là Công ty CP than Đèo Nai). Trong 5 lần còn lại, có 3 lần trong các bài phát biểu trước nhân dân, cán bộ, chiến sỹ, học sinh và cả chuyên gia Liên Xô (cũ), Bác Hồ đều nhấn mạnh vai trò của cán bộ, công nhân ngành Than - thợ mỏ Quảng Ninh. Lần thứ 6 vào sáng mùng một Tết Ất Tỵ (tức là ngày 2-2-1965), buổi sáng phát biểu tại thị xã Hòn Gai (nay là Thành phố Hạ Long) và buổi chiều phát biểu tại Uông Bí trước hàng nghìn người dự mít tinh chào đón Người, Bác Hồ đã dành nhiều thời gian nói về sản xuất than và công nhân mỏ. Tại cuộc mít tinh năm ấy, Bác đã tặng cho ngành Than “Cờ thưởng luân lưu thi đua khá nhất” của Người. Hình ảnh người công nhân, cán bộ ngành Than - Thợ mỏ Quảng Ninh luôn in đậm trong tâm trí của Bác ở mọi lúc, mọi nơi. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9-1960), Bác đã biểu dương công nhân, cán bộ Mỏ than Cọc Sáu. Trong 3 lần đến dự các Hội nghị Cán bộ Công đoàn toàn quốc ngày 14-3-1959, Đại hội CSTĐ Công nghiệp toàn quốc ngày 11-3-1960 và Hội nghị Bộ Công nghiệp nặng ngày 31-12-1964 tổ chức ở Thủ đô Hà Nội, trong bài phát biểu của Người, Bác đều nhấn mạnh vai trò của Vùng mỏ, của công nhân ngành Than. Sau Đại hội CSTĐ toàn quốc một tháng, vào ngày 12-4-1960, Bác đã gửi 10 Huy hiệu của Người cho Công trường than Cọc Sáu (nay là Công ty CP than Cọc Sáu) để tặng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Một số tài liệu còn ghi, trong tổng số 145 Huy hiệu Bác Hồ mà Người và Bác Tôn đã tặng thưởng cho công nhân, cán bộ, bộ đội, nhân dân Quảng Ninh từ năm 1958 đến năm 1973 thì phần nhiều là thuộc về công nhân Mỏ. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thường xuyên động viên khích lệ CNCB sản xuất than - Thợ mỏ Quảng Ninh bằng những việc làm rất cụ thể, sâu sát và thật cảm động. Đã 11 lần Bác gửi thư, điện, viết bài đăng trên Báo Nhân Dân khen ngợi các xí nghiệp, các tập thể lao động đạt thành tích xuất sắc sau mỗi kỳ kế hoạch. Ngày 16-2-1962, Người đã viết bài ca ngợi thành tích phá kỷ lục giành năng suất cao của tổ máy xúc EKG Vũ Xuân Thủy - Cọc Sáu đăng Báo Nhân Dân. Sau này do chiến tranh đánh phá miền Bắc của Đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt, thêm vào đó tuổi ngày một cao sức khỏe yếu, Bác không thể về thăm Quảng Ninh được nữa.
Ngày 15-11-1968, nhân dịp 32 năm ngày Miền Mỏ bất khuất (nay là Ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than) Bác Hồ kính yêu đã gặp mặt nói chuyện thân mật với đoàn đại biểu CNCB ngành Than và tỉnh Quảng Ninh nhưng thành phần đoàn đại biểu được gặp Bác lần này chủ yếu là công nhân trực tiếp sản xuất ưu tú được lựa chọn từ các cơ sở sản xuất than theo yêu cầu của Bác. Đây là một sự kiện lịch sử mãi lưu truyền cho công nhân, cán bộ ngành Than, cho cả giai cấp công nhân Quảng Ninh. Trong bài phát biểu của Bác Hồ ngày ấy có những câu chỉ nghe hoặc đọc một lần, mỗi người thợ mỏ, cả đội ngũ công nhân, cán bộ ngành Than cũng như CNVC-LĐ Quảng Ninh hết thế hệ này đến thế hệ khác đều thấy thấm thía và không bao giờ quên. Bởi đó là lời dạy bảo ân cần, là sự khích lệ động viên và tình cảm bao la của Bác dành cho chúng ta hôm qua, hôm nay cùng mai sau: Bác nói “Người ta thường gọi than là “vàng đen”. Nó rất cần thiết cho công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, vận tải, quốc phòng và đời sống nhân dân” và “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp, vượt khó khăn, nhằm tạo một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”.
Thực hiện lời dạy của Người, suốt chặng đường 50 năm qua, lớp lớp các thế hệ thợ mỏ đã luôn hăng hái thi đua trong chiến đấu, trong lao động sản xuất với tinh thần “sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”, lập nên những kỳ tích, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn người con công nhân mỏ tham gia Binh đoàn Than, cầm súng vào chiến trường để trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Tại Vùng mỏ, những người công nhân trên tầng cao, trong lò sâu hay bên xưởng máy đã hăng hái lao động quên mình cho dòng than tuôn chảy với các phong trào thi đua một người làm việc bằng hai, tất cả vì miền Nam ruột thịt, đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam.
Đất nước được thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội với mục tiêu xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nhất là từ khi thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) là thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của ngành Than - Khoáng sản Việt Nam: Đó là thời kỳ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khai thác hiện đại để tăng năng suất lao động, tăng sản lượng khai thác và đặc biệt là tiết kiệm nguồn vàng đen của đất nước. Ngày nay, với công nghệ khai thác hiện đại như hệ thống cơ giới hóa đồng bộ khai thác than hầm lò, ô tô chở đất đá tải trọng hàng trăm tấn ở các mỏ lộ thiên, hệ thống băng tải vận chuyển than, đất đá thay cho ô tô, các hệ thống khai thác giếng đứng sâu đến -350 - 500 mét ... đã khẳng định vị trí vững vàng của ngành Than Việt Nam sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn năng lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Nếu như năm 1995 - năm đầu thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam - sản lượng than khai thác mới đạt trên 7,2 triệu tấn thì đến năm 2018 dự kiến sẽ sản xuất và tiêu thụ được trên 40 triệu tấn. Tập đoàn cũng phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp khác như khoáng sản, luyện kim, hóa chất mỏ, công nghiệp điện. Năm 2018, dự kiến sản xuất trên 12 ngàn tấn đồng tấm; gần 1,3 triệu tấn Alumin; 70 ngàn tấn thuốc nổ công nghiệp; trên 9,3 tỷ kWh điện. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn dự kiến đạt trên 122 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách trên 15 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 4.500 tỷ đồng. Tập đoàn đã bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước, đáp ứng đủ than cho các ngành kinh tế trong nước, bảo đảm việc làm và ổn định đời sống cho gần 100 ngàn công nhân lao động với thu nhập bình quân đạt trên 10,8 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, Tập đoàn luôn chú trọng đầu tư cải thiện môi trường vùng mỏ, thực hiện tốt các chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ninh, đảm bảo các khoản nộp ngân sách tỉnh, đẩy mạnh đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh, góp phần to lớn vào xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp như ngày hôm nay.
Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, lao động sản xuất, công nhân, cán bộ ngành Than đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng năm 1996, danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2005.
Bác Hồ về thăm mỏ than Đèo Nai ngày 30-3-1959. Ảnh tư liệu
Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07-11-2006 của Bộ Chính trị khóa X, Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị khóa XI và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2017 của Bộ Chính trị khóa XII, các cấp ủy Đảng trong Tập đoàn đã triển khai đồng bộ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với các phong trào thi đua lao động sản xuất giành năng suất cao, năng suất kỷ lục. Từ những phong trào ấy, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, với nhiều sáng kiến có giá trị làm lợi cao, tích cực giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề đã được các cấp vinh danh, khen thưởng. Đó là những tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có sức lan tỏa để các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức lao động học tập, phấn đấu noi theo.
Trong thời gian tới, ngành Than - Khoáng sản đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đó là:
Tài nguyên than của Việt Nam hiện nay nằm chủ yếu ở Quảng Ninh nhưng công tác thăm dò, đánh giá tài nguyên còn rất hạn chế do chưa được cấp có thẩm quyền quan tâm; bể than đồng bằng sông Hồng có trữ lượng rất lớn nhưng tại thời điểm hiện nay chưa có công nghệ phù hợp, hiệu quả để khai thác.
Khai thác mỏ ngày càng xuống sâu và đi xa hơn; cung độ vận chuyển tăng, hệ số bóc đất tăng, từ đó làm tăng các chi phí về khai thác và đảm bảo an toàn lao động. Các loại thuế, phí đang cao hơn so với các nước trong khu vực, làm cho sức cạnh tranh của sản phẩm than bị ảnh hưởng.
Sản xuất kinh doanh than chưa được thực hiện hoàn toàn theo cơ chế thị trường, làm mất đi tính chủ động của Tập đoàn trong đầu tư, phát triển sản xuất theo đúng quy hoạch của Chính phủ. Việc cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nguồn nhân lực chính cho lao động làm than là thợ lò thì hiện nay đang suy giảm rất nhanh, trong khi đó chưa có công nghệ để thay thế lực lượng này.
Tuy nhiên, trong khó khăn, những người thợ mỏ luôn mài sắc ý chí và quyết không bao giờ lùi bước.
Ý thức sâu sắc về kế tục sự nghiệp vẻ vang của các thế hệ thợ mỏ, tiếp tục thực hiện tốt lời Bác Hồ đã dạy, cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức lao động Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nguyện mãi mãi nhiệt huyết, xây đắp truyền thống anh hùng của giai cấp công nhân vùng mỏ bất khuất, phát huy sức mạnh “Kỷ luật và Đồng tâm”, tinh thần lao động sáng tạo, biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng và truyền thống vẻ vang thành nguồn lực để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác “Đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”.
- Ngành Địa chất Việt Nam – Chung tay làm giàu đất nước11.05.2020
- Chuyện đằng sau những tấm bản đồ, những mỏ khoáng sản được phát hiện07.05.2020
- Trường Đại Học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: 10 năm một chặng đường06.05.2020
- Sinh hoạt ngoại khóa chào mừng ngày truyền thống ngành Địa Chất (02/10/1945 - 02/10/2015)27.04.2020
- Sinh viên khoa Địa chất và phong trào nghiên cứu khoa học27.04.2020