Thông tin ngành đào tạo Kỹ thuật địa chất
Chuyên ngành đào tạo:
1. Chuyên ngành Quản lý Tài nguyên Khoáng sản;
2. Chuyên ngành Địa chất Khai thác mỏ.
Loại hình đào tạo: Chính quy
Bậc đào tạo: Đại học
Văn bằng: Kỹ sư
Môn xét tuyển:
Khối A: Toán, Lý, Hóa;
Khối A1: Toán, Lý, Tiếng Anh;
Khối B: Toán, Hóa, Sinh;
Khối D: Toán, Tiếng Anh, Ngữ Văn;
Tổng quan chương trình:
Đào tạo Kỹ sư chuyên ngành Quản lý Tài nguyên Khoáng sản có đầy đủ kiến thức và kỹ năng thực hành nghề nghiệp, đủ khả năng và năng lực đảm nhận công tác tổ chức, phát triển Đề án, Dự án Địa chất, Dự án đầu tư, Quy hoạch Khoáng sản, triển khai thực địa, thi công trong các lĩnh vực Tìm kiếm, Thăm dò Khoáng sản, đánh giá Tài nguyên và trữ lượng các loại hình Khoáng sản, nghiên cứu ứng dụng công nghệ chế biến Khoáng sản, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng của Tổ quốc.
Sinh viên được cung cấp và trang bị kiến thức:
Kiến thức Đại cương:
Là những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học Trái đất, quản lý nhà nước, pháp luật phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, kèm theo các chương trình giáo dục thể chất và an ninh quốc phòng để giúp sinh viên có sức khỏe tốt, có tinh thần rèn luyện, đáp ứng được yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kiến thức Cơ sở ngành:
Các học phần được học trong phần này sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức đại cương về Địa chất - Khoáng sản, bắt đầu từ hiểu biết về Trái đất, các quá trình Địa chất, thành phần vật chất, môi trường tự nhiên. Các nội dung được học trong hai năm học đầu đã trang bị cho sinh viên kiến thức nền, tạo sự tiếp thu một cách logic, có phương pháp học trong đại học, quản trị thông tin, tiếp nhận thông tin một cách hệ thống. Thông qua kiến thức cơ sở, sinh viên có cách nhìn tổng quan về Ngành/Chuyên Ngành học. Với phương châm tăng cường thực tế, học đi đôi với hành, ngay những năm đầu sinh viên đã được gặp gỡ các chuyên gia đầu ngành, tham quan các cơ quan đơn vị có hoạt động Khoáng sản, đa dạng từ quản lý Nhà nước đến, thực tế hoạt động khoáng sản, kinh doanh phát triển Khoáng sản, từ các cơ quan trực thuộc các Bộ chức năng đến các Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty Nhà nước và tư nhân.., tiến tới định hướng nghiên cứu sâu hơn từng chuyên đề phục vụ nghề nghiệp khi ra trường.
Kiến thức Chuyên ngành:
Tiếp nối các học phần Cơ sở ngành, các học phần Chuyên ngành là nội dung trọng tâm về chuyên môn, đảm bảo đủ kiến thức phục vụ công tác Quản lý Tài nguyên Khoáng sản. Từ hiểu biết về Trái đất, Khoáng sản, sinh viên được trang bị các kiến thức về quá trình thành tạo Khoáng sản: các điều kiện hóa lý, điều kiện Địa chất, những biến đổi, biến dạng liên quan đến quặng hóa do các quá trình Địa chất gây ra; đánh giá chất lượng, trữ lượng Khoáng sản; xác lập điều kiện Khai thác với sự hỗ trợ của các kiến thức về Khai thác, Chế biến, Làm giàu, kinh doanh Khoáng sản, Thẩm định dự án, Định giá mỏ, Bảo vệ Môi trường, chính sách Khoáng sản liên quan và vấn đề hội nhập quốc tế. Các đợt thực tập và thực tế liên tục được bổ sung và cập nhật về thời gian và thông tin chuyên môn tại các khu vực có hoạt động Thăm dò, Khai thác và Chế biến Khoáng sản.
Kiến thức thực tập và tốt nghiệp:
Vận dụng các kiến thức đã học ở trường vào thực tế sản xuất tại các đơn vị quản lý nhà nước hoặc các tập đoàn, liên đoàn, công ty trong và ngoài nước.
Tham gia vào các hoạt động Địa chất từ giai đoạn điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến Thăm dò Khoáng sản, Khai thác, Chế biến Khoáng sản, cải tạo phục hồi Môi trường. Bên cạnh đó, các công tác nội nghiệp trong phòng thí nghiệm, ở các Phòng/Ban chuyên môn Quản lý Tài nguyên Khoáng sản các cấp sẽ tạo ra một Môi trường phù hợp để sinh viên tiếp cận gần hơn với công tác Quản lý, Chủ nhiệm Đề án Địa chất, Giám đốc điều hành mỏ, chú trọng ứng dụng và chuyển giao các công nghệ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, trau dồi kỹ năng xây dựng đội hình, phát huy năng lực tập thể.
Căn cứ nguyện vọng và năng lực học tập - nghiên cứu của sinh viên, Bộ Môn sẽ cử cán bộ giảng viên và mời chuyên gia hướng dẫn sinh viên ngay từ năm thứ ba đến khi sinh viên bảo vệ thành công Đồ án tốt nghiệp.
Sinh viên được cung cấp và trang bị kỹ năng:
- Triển khai được các nhiệm vụ:
+ Ngoại nghiệp: khảo sát thực tế, thiết kế và triển khai các lộ trình Địa chất, lập sơ đồ tài liệu thực tế, lấy mẫu, …v.v;
+ Nội nghiệp: thực hiện các công tác liên quan đến soi kính tại phòng thí nghiệm phục vụ quá trình khảo sát, đánh giá Tài nguyên Khoáng sản rắn; viết báo cáo địa chất.
- Có khả năng làm việc độc lập và tổ chức làm việc theo nhóm;
- Nghiên cứu, quản lý và giải quyết những vấn đề ô nhiễm và bảo vệ Môi trường liên quan đến công tác Khai thác Tài nguyên Thiên nhiên; tham vấn cộng đồng, tổ chức hội thảo;
- Quản lý hoạt động Khai thác Tài nguyên Khoáng sản theo tiêu chí phát triển bền vững;
- Sử dụng thành thạo các phần mềm GIS, ENVI, MapInfo, AutoCad, ArcGis… phục vụ cho công tác điều tra, khảo sát, Khai thác, quản lý và sử dụng hiệu quả Tài nguyên Khoáng sản rắn;
- Phát triển kỹ năng quản trị doanh nghiệp có hoạt động Khoáng sản.
Triển vọng nghề nghiệp:
Ngành Kỹ thuật Địa chất là một ngành học có tính toàn cầu hóa, các sinh viên tốt nghiệp Ngành Kỹ thuật Địa chất nói chung, Chuyên ngành Quản lý Tài nguyên Khoáng sản nói riêng của Khoa Địa chất, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có thể tham gia, công tác trong các các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau:
- Tham gia vào các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương về lĩnh vực Quản lý tài nguyên khoáng sản như: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Văn hóa ,Thể thao và Du lịch..., Sở Tài nguyên và Môi trường ở các tỉnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, Cán bộ quản lý tài nguyên cấp xã - phường; các đơn vị sự nghiệp của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Tham gia giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp đào tạo có liên quan đến các hoạt động Tìm kiếm, Thăm dò, Khai thác, Chế biến, Quản lý Tài nguyên Khoáng sản và Bảo vệ Môi trường trong lĩnh vực Khoáng sản;
- Làm việc tại các Viện nghiên cứu Khoa học, Trung tâm nghiên cứu và phân tích mẫu Địa chất; các Phòng thí nghiệm trong lĩnh vực Địa chất;
- Công tác tại các Liên đoàn Địa chất của Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, các Tập đoàn kinh tế Nhà nước và tư nhân, các doanh nghiệp có hoạt động Khoáng sản; các Công ty hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn khảo sát thiết kế và Thăm dò mỏ, Nhà tư vấn đầu tư quản lý dự án, các Công ty chuyên về Khai thác, Chế biến và kinh doanh Khoáng sản, các quỹ đầu tư, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực Bảo vệ, Quản lý Tài nguyên Khoáng sản, Quản lý di sản Địa chất, Quỹ bảo tồn Thiên nhiên, Công ty du lịch lữ hành; Ngân hàng Thế giới, các Ngân hàng khác.
- Tham gia và các đơn vị trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực Tìm kiếm, Thăm dò, Khai thác, Chế biến, Bảo vệ Môi trường trong hoạt động Khoáng sản;
- Đối với các sinh viên có kiến thức ngoại ngữ tốt, có thể tiếp tục học tập ở các trình độ cao hơn ở nước ngoài (sau Đại học), hoặc xin làm việc ở các tổ chức nước ngoài, đang hoạt động cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Sinh viên chuyên ngành Quản lý Tài nguyên Khoáng sản sẽ là nguồn lực góp phần khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên không tái tạo nhằm bảo vệ và gìn giữ đất nước Việt nam Hòa Bình, Độc Lập, Thịnh vượng, Phát triển bền vững, Hội nhập Quốc tế sâu rộng!