Đào tạo kỹ sư chuyên ngành “Quản lý tài nguyên Khoáng sản“ đáp ứng nhu cầu nhân lực để nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên và phát triển bền vững
Tài nguyên khoáng sản là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý để quản lý khai thác đáp ứng nhu cầu sử dụng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trước mắt cũng như lâu dài. Do đặc thù khoáng sản là hữu hạn, phần lớn không tái tạo được, do đó Nhà nước đang chú trọng công tác quản lý nhằm:
- Khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả khoáng sản, thông qua chiến lược quy hoạch khoáng sản.
- Tăng cường trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, bảo vệ quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoángsản được khai thác.
- Nâng cao vai trò công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản tăng cường hiệu quả quản lý về hoạt động khoáng sản.
- Chuyển đổi cơ chế quản lý khoáng sản, thực hiện chủ trương “kinh tế hóa”ngành địa chất khoáng sản.
- Tiếp tục phân cấp đi đôi với tăng cường trách nhiệm của cơ quan Nhà nước về Khoáng sản
Một số tồn tại và hiện trạng quản lý của ngành khai khoáng ở Việt Nam
Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản trong những năm qua đã góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động song vẫn còn nhiều tồn tại chưa thể giải quyết triệt để như: hiệu quả kinh tế còn thấp, công nghệ khai thác lạc hậu dẫn đến tổn thất tài nguyên lớn, xuất khẩu khoáng sản thô với giá thấp và nhập về nguyên liệu tinh với giá cao hơn gấp nhiều lần, hoạt động khoáng sản gây ra nhiều hậu quả về môi trường khó khắc phục, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và làm phát sinh nhiều tai biến môi trường như thay đổi địa hình, cảnh quan, xói mòn rửa trôi, sạt lở đất, xói lở bờ sông, biển…
Con người là nhân tố quyết định để thực hiện thành công các nhiệm vụ và giải quyết các tồn tại trên. Theo số liệu thống kê, hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành có khoảng gần 50.000 người song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhìn chung, đội ngũ công chức, viên chức của ngành tài nguyên và môi trường chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, hầu hết các lĩnh vực quản lý còn thiếu công chức, viên chức. Cơ cấu về ngành nghề, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao.
Các cơ sở đào tạo đang nỗ lực tối đa cung cấp nguồn nhân lực cho ngành tài nguyên và môi trường, hiện cả nước có 78 cơ sở đào tạo bậc đại học, cao đẳng các ngành, chuyên ngành về tài nguyên và môi trường, trong đó chuyên ngành quản lý tài nguyên khoáng sản đang được các Bộ chức năng đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường thực sự quan tâm.
Đến nay, đã có hàng ngàn sinh viên ngành Quản lý tài nguyên tài nguyên môi trường được đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng trên cả nước tốt nghiệp tham gia làm việc tại các cơ quan sản xuất, quản lí của ngành. Thực tế cho thấynhững sinh viên ra trường đã được trang bị kiến thức cơ bản để phục vụ công tác song trong giai đoạn tới, cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy và học tập để có thể đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên khoáng sản trong các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp cũng như trong các tổ chức có hoạt động khoáng sản.
Tháng 12/2010, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã tổ chức hội nghị toàn quốc qua cầu truyền hình về đào tạo nhân lực theo nhu cầu ngành Tài nguyên và Môi trường và đã khẳng định vai trò trách nhiệm của Trường Đại học Tài nguyên Môi trường. Qua quá trình xây dựng và phát triển, nhà trường luôn tập trung các nguồn lực về trí tuệ và với sự quan tâm đặc biệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhà trường đang từng bước vững chắc đi lên. Trong tương lai, ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phấn đấu sánh vai với các trường Đại học hàng đầu trong cả nước và từng bước hội nhập với quốc tế.
Sự ra đời của chuyên ngành quản lý Tài nguyên Khoáng sản là một quy luật tất yếu
Là một đơn vị đào tạo công lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay trường đang đào tạo các ngành, chuyên ngành thuộc lĩnh vực do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý. Nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, các ngành đào tạo của nhà trường luôn hướng tới các đòi hỏi của thực tiễn. Năm 2011 Nhà trường đã giao cho Khoa Địa chất xây dựng chương trình đào tạo ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường và đã được Bộ GD&ĐT cho phép Nhà trường tuyển sinh theo quyết định số 1196/QĐ-BGDĐT ngày 28/3/2012. Ngày 11 tháng 10 năm 2012, hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ra quyết định số 2100/QĐTĐHHN. Theo đó, ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường có mà ngành là 52850101 và được chia thành 2 chuyên ngành lớn. Đó là chuyên ngành Quản lý môi trường và chuyên ngành Quản lý tài nguyên. Chuyên ngành “Quản lý tài nguyên khoáng sản” thuộc lĩnh vực Quản lý tài nguyên sẽ được Nhà trường tuyển sinh vào năm học 2013- 2014. Hy vọng sự ra đời của chuyên ngành “Quản lý tài nguyên khoáng sản” sẽ góp phần đáng kể cho công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho cho việc quản lý tài nguyên Khoáng sản trên cả nước ngày càng hiệu quả hơn.. Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân Quản lý tài nguyên khoáng sản có đủ năng lực để đảm nhận các vị trí công tác tại các Trung tâm, Viện nghiên cứu, các trường Đại học, Cao đẳng thuộc lĩnh vực Địa chất, khoáng sản; Các cơ quan quản lý Nhà nước về Tài nguyên và Môi trường như Bộ, Sở, phòng Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, Sở ngành liên quan như Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học công nghệ, Công thương, các Tập đoàn, Công ty khai thác, chế biến khoáng sản, Đoàn và Liên đoàn Địa chất, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức ngoại giao trong vai trò phát triển tài nguyên khoáng sản và hội nhập quốc tế.
Nhà trường đang phát triển các hợp tác về khoa học, đào tạo với các tổ chức và các trường ở các quốc gia khác nhau, qua đó tạo điều kiện cho các sinh viên, kỹ sư có điều kiện giao lưu, tiếp tục nghiên cứu, nâng cao trình độ và giành các học vị cao hơn như Thạc sĩ , Tiến sỹ trong các chuyên ngành về địa chất khoáng sản, môi trường và quản lý dự án.
Hoạt động về tài nguyên khoáng sản đã, đang và sẽ diễn ra sôi động không những trong nước mà các quốc gia khác trên thế giới. Công tác quản lý Nhà nước cần tăng cường ngay từ giai đoạn đầu là điều tra địa chất về khoáng sản, tìm kiếm đánh giá, đến thăm dò khai thác và chế biến khoáng sản. Nguồn kinh phí phục vụ cho các hoạt động trên là ngân sách Nhà nước, các nguồn tài trợ trong các chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với nước ngoài, các nguồn vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân để thực hiện các hoạt động khoáng sản theo giấy phép được cấp, mức độ đánh giá tài nguyên khoáng sản theo chiều sâu địa chất đến nay mới đạt tới trung bình 100m chiều sâu. Nói như vậy để thấy rằng với tiềm năng tài chính, với lực lượng cán bộ chuyên môn kỹ thuật công nghệ cao, ngành khai khoáng ở Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đồng hành với quá trình này sẽ là những hạt nhân, những thế hệ cán bộ được đào tạo từ mái trường này, cơ hội cho các cử nhân của trường đang rất rộng mở.
Từ những phân tích trên đây có thể thấy rằng, việc mở chuyên ngành đào tạo “Quản lý tài nguyên khoáng sản” tại Khoa Địa chất - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là một hướng đi đúng và rất cấp thiết nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội góp phần nâng cao năng lực trong công tác quản lý để khai thác hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản và phát triển bền vững trong tương lai. Với những lợi thế hơn hẳn các trường khác trong cả nước, đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chắc chắn sẽ cung ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức lý thuyết hiện đại và kỹ năng giải quyết nhiệm vụ chuyên môn trong thực tế, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới của ngành, góp phần vào sự phát triển bền vững nói riêng và công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước nói chung./.